Thận hoạt động suốt ngày đêm để giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách lọc chất độc, chất lỏng dư thừa và điều hòa huyết áp.
Hầu hết người bệnh thận không có triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển. Thận có thể mất tới 90% chức năng thận mà không gây bất kỳ triệu chứng nào, theo tờ Times Of India.
Sau đây, Tổ chức Thận Quốc gia của Mỹ chỉ ra 9 thói quen mà bạn có thể gây tổn hại cho thận của mình.
1. Lạm dụng thuốc giảm đau. Nhiều người có thói quen hễ nhức đầu sổ mũi là tự mua thuốc giảm đau về uống mà không biết rằng điều này có thể làm hỏng thận. Có tới 3 – 5% trường hợp suy thận mạn tính mới mỗi năm do lạm dụng thuốc giảm đau.
Sử dụng lâu dài, đặc biệt ở liều cao, có tác dụng có hại cho mô và cấu trúc thận. Những loại thuốc này cũng có thể làm giảm lưu lượng máu đến thận.
2. Hút thuốc. Những người hút thuốc có nhiều khả năng có protein trong nước tiểu, đây là dấu hiệu của tổn thương thận. Họ cũng có nhiều khả năng phải chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
3. Tiêu thụ nhiều muối. Chế độ ăn nhiều natri làm tăng huyết áp. Huyết áp cao làm tổn thương thận theo thời gian và là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận.
4. Tiêu thụ nhiều nước ngọt và đồ chế biến sẵn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống 2 lon nước ngọt trở lên mỗi ngày làm tăng nguy cơ phát triển bệnh thận mạn tính.
Thực phẩm chế biến sẵn là kho chứa natri và phốt pho, có thể dẫn đến bệnh thận.
5. Ăn quá nhiều đạm. Protein rất cần thiết cho chế độ ăn uống lành mạnh. Nhưng nếu thận yếu, ăn quá nhiều đạm có thể khiến thận quá tải, theo WebMD.
6. Không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thận. Khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường không biết mình mắc bệnh tiểu đường. Khoảng một nửa số người mắc bệnh tiểu đường bị tổn thương thận, nhưng điều này có thể được ngăn ngừa hoặc hạn chế nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát tốt, theo Times Of India.
7. Chủ quan với huyết áp cao. Huyết áp cao có thể làm co và thu hẹp các mạch máu trong thận, làm giảm lưu lượng máu và khiến thận không thể hoạt động tốt.
8. Lười uống nước. Mất nước, đặc biệt là mất nước mạn tính, có thể dẫn đến sự hình thành sỏi thận và ảnh hưởng đến chức năng thận. Mất nước cũng gây rối loạn chức năng thận cấp tính.
9. Liên tục tập luyện quá sức. Điều này có thể gây ra tiêu cơ vân, thải các chất vào máu làm tổn thương thận và khiến thận bị hỏng. Đừng đột ngột tăng cường độ tập luyện lên cao. Tránh tập luyện trong nhiệt độ và độ ẩm cao. Hãy đi khám nếu bị đau cơ và nước tiểu có màu sẫm, theo WebMD.
Hãy kiểm tra chức năng thận nếu bạn có một hoặc nhiều yếu tố “nguy cơ cao”: tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh thận.
Nguồn : thanhnien.vn
Bình luận