Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trương Hồng Sơn, lối sống công nghiệp, sai lầm trong chọn lựa, chế biến thực phẩm làm tăng nguy cơ thừa cholesterol, dẫn đến mỡ máu cao.
Gần 50% người thành thị bị mỡ máu cao – nguyên do đến từ lối sống
Tại hội thảo “Báo động thực trạng thừa cholesterol: Hệ lụy và giải pháp” hôm 25/8/2022, TS.BS Trương Hồng Sơn – Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh thừa cholesterol do “lối sống công nghiệp” và chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý là một trong những “thủ phạm” chính dẫn đến tình trạng mỡ máu cao của người trưởng thành ở thành thị.
Cụ thể, có nhiều nguyên nhân khiến nửa dân số thành thị dễ bị mỡ máu. Đa phần khu vực này có nền kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo đó là lối sống công nghiệp vội vàng. Vì tập trung toàn lực cho công việc, nhiều người có xu hướng tìm đến thức ăn nhanh, ít có thời gian tập luyện, vận động… “Tỷ lệ này sẽ còn tăng nếu người dân nơi đây không nhận thức rõ mức độ nguy hiểm, hệ lụy của mỡ máu cao” – TS.BS Sơn cho biết.
Các nghiên cứu còn chỉ ra tình trạng thừa cân, căng thẳng cũng làm gia tăng tình trạng thừa cholesterol trong máu. Nhiều nhà khoa học cho rằng khi gặp áp lực, cơ thể tiết ra một số hormone có thể làm tăng lượng cholesterol xấu.
Chủ động ngăn ngừa mỡ máu với thực đơn “chuẩn LIGHT”
Người dân có thể chủ động phòng ngừa bệnh lý này bằng cách điều chỉnh lối sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh, vận động mỗi ngày và thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý. Mọi người có thể áp dụng thực đơn chuẩn “LIGHT”, tức chế độ ăn uống dựa trên 5 nguyên tắc: Lựa chọn chất béo có lợi (L); ít tiêu thụ da mỡ, nội tạng động vật (I); giảm muối khi nấu nướng (G); hạn chế rượu, bia (H); tăng cường rau xanh, ngũ cốc (T).
Bên cạnh đó, TS.BS Sơn chỉ ra quan niệm sai lầm về chế độ dinh dưỡng dẫn đến tình trạng thừa cholesterol, mỡ máu. Trong đó, phổ biến nhất là chủ trương kiêng hoàn toàn chất béo, chỉ ăn đồ hấp luộc.
Thực chất, chất béo có vai trò quan trọng, cần thiết cho sự hấp thu chất dinh dưỡng, nhất là các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K. Chúng cũng là thành phần chính của các hormone, màng tế bào. Thiếu hụt chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày ảnh hưởng đến chức năng nhiều cơ quan, nhất là hệ thần kinh. Ngoài ra, chất béo cũng là một trong số những nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp ta cảm thấy no lâu hơn.
Nguồn chất béo có lợi thường được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển sâu như cá hồi, cá trích, trong quả bơ, ô liu, các loại dầu thực vật như dầu gạo, dầu đậu nành, dầu hướng dương…Trong đó nên ưu tiên sử dụng các loại dầu ăn thực vật có chứa dưỡng chất Gamma-Oryzanol và Phytosterol vì có khả năng giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm.
Ngoài chế độ ăn uống, cần tăng cường vận động với cường độ và thời gian hợp lý là một trong những cách giúp giảm LDL (cholesterol xấu), tăng HDL (cholesterol tốt), góp phần kiểm soát tốt huyết áp và lượng đường huyết. Cụ thể, nên dành ít nhất 30 phút đến một tiếng mỗi ngày tập các bài đơn giản như chạy bộ, đạp xe, bơi lội… Ngoài ra nên bỏ thuốc lá, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga… và giữ cân nặng ở mức hợp lý, ổn định.
Theo dantri.com.vn
Bình luận