Ở cấp trung học, một số trường đã mạnh dạn dạy học sinh về quan hệ tình dục lành mạnh, sử dụng bao cao su, thuốc tránh thai…
“Chúng mình chưa muốn làm phụ huynh”
Nhằm cung cấp cho học sinh (HS) kiến thức về tâm sinh lý tuổi dậy thì, an toàn sức khỏe sinh sản vị thành niên và hiểu biết đúng đắn về tình yêu, tình bạn…, Phòng Tham vấn học đường – Trường Marie Curie Hà Nội thường xuyên tổ chức các buổi giáo dục kỹ năng sống liên quan chủ đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho HS. Ở các buổi học này, HS tham gia một số trò chơi thú vị do các giảng viên tâm lý tổ chức. Nhờ đó, không khí trao đổi giữa thầy trò trở nên vui vẻ, cởi mở hơn.
Ví dụ, nhằm trả lời câu hỏi về sự xuất hiện của mỗi con người trên đời, HS được theo dõi một video sinh động về quá trình thụ thai. Nhờ đó, các bạn biết rằng, để có được mình hôm nay, mỗi cá nhân đã phải “chiến đấu” với hơn 3 triệu anh em tinh trùng khác của người bố để đến được với trứng của người mẹ. Vì thế, mỗi người là duy nhất trên thế giới từ lúc thụ thai cho đến khi mất đi. Bởi vậy, các bạn cần biết tôn trọng, yêu quý và bảo vệ bản thân. HS không chỉ lắng nghe mà được trực tiếp tham gia tương tác, trả lời những câu hỏi thiết yếu ở độ tuổi mới lớn như: Quan hệ tình dục vào thời điểm “đèn đỏ” sẽ không có thai, đúng hay sai? Nếu bị hẹp bao quy đầu thì phải chờ đến năm 18 tuổi mới cắt được, đúng không?…
Ngoài ra, các chuyên gia tâm lý cũng khéo léo chia sẻ với HS về tình yêu học trò, dù rất đẹp nhưng sẽ trở nên nguy hại và để lại hậu quả nghiêm trọng khi có suy nghĩ lệch lạc, dùng tình dục để đổi lấy tình yêu, ghen tuông, mang thai ngoài ý muốn rồi đánh mất tương lai…
Đặc biệt, HS cấp trung học còn được thực hành cách sử dụng bao cao su. Theo thầy Thành Nam, giáo viên phòng Tham vấn của Trường Marie Curie, nói tới bao cao su, có thể HS đã biết nhưng không phải bạn nào cũng dám cầm. Mặc dù các bạn biết nó là một trong những phương pháp tránh thai và quan hệ tình dục an toàn nhưng lại không biết dùng đúng cách. Vì vậy, các thầy cô mong muốn qua buổi học, các bạn có được thái độ đúng đắn với tình yêu, tình bạn tuổi học trò; xác định được những mối quan hệ không lành mạnh và biết chấm dứt một cách phù hợp.
Tại Trường THCS-THPT Thực Nghiệm (Hà Nội), HS lớp 8 được học về chủ đề khá hấp dẫn “Khi chúng mình chưa muốn làm phụ huynh” lồng ghép trong phân môn sinh học. Mục tiêu của chuyên đề này nhằm giúp HS hiểu được khái niệm, cơ chế và các biện pháp tránh thai thông dụng, từ đó có cách ứng xử đúng đắn khi có tình cảm khác giới ở lứa tuổi HS. Thông qua các câu hỏi trong trò chơi như: “Con số bí ẩn”, “Nhà sinh học thông thái”…, HS được trang bị các kiến thức về chu kỳ kinh nguyệt, cách sử dụng que thử thai, bao cao su, thuốc tránh thai, thuốc diệt tinh trùng…
Nhiều HS bày tỏ những buổi học như vậy thực sự thiết thực. Những kiến thức nhạy cảm nhưng được các thầy cô truyền đạt một cách hóm hỉnh và gần gũi. Nhờ thế, HS không còn thấy ngại ngần khi chia sẻ.
Thầy Huy Nghĩa, giáo viên môn giáo dục công dân của Trường Marie Curie, cho biết: “Thường ngày ở lớp, thầy cô cũng chia sẻ về các vấn đề này. Tuy nhiên, việc được thực hành, nghe và xem thực tiễn càng giúp HS có cái nhìn chân thực hơn về giới tính, tình yêu, tình bạn. Qua đó, các bạn không chỉ có thêm kiến thức về sức khỏe giới tính một cách khoa học mà còn xác định được năng lực và điểm mạnh của bản thân để đưa ra những quyết định đúng đắn trong các mối quan hệ bạn bè”.
Không thể “làm ngơ” với giáo dục giới tính
Đề cập vấn đề giáo dục giới tính trong trường học, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cho hay HS thời nay quá dễ dàng tiếp cận với những cuốn sách, bộ phim về giới tính. Thêm vào đó các em có tình cảm trên tình bạn và có xu hướng tìm hiểu về tình dục. Vì vậy, nhà trường và gia đình cũng phải nhìn thẳng vào thực tế để hiểu, đồng hành và có sự giáo dục định hướng cho HS một cách phù hợp.
Chính vì thế, dù không phải là nội dung giáo dục bắt buộc của chương trình phổ thông nhưng các trường đã không thể “làm ngơ với giáo dục giới tính”. Tùy vào lứa tuổi cũng như điều kiện thực tế, mỗi trường học đều có cách giáo dục kỹ năng sống về chủ đề này cho HS.
Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Trưởng phòng GD-ĐT Q.3, cho biết các trường THCS tại Q.3 phát huy thế mạnh của phòng tư vấn tâm lý, xây dựng nội dung sinh hoạt cung cấp kiến thức có liên quan về giới tính, tâm sinh lý, cách xử lý tự nhiên và lành mạnh nâng cao khả năng tư duy, kỹ năng; giáo dục HS biết tự bảo vệ mình trên không gian mạng, không tham gia các trang mạng có nội dung độc hại…
Bên cạnh đó, mỗi trường có hình thức tuyên truyền, giáo dục khác nhau. Chẳng hạn, Trường THCS Hai Bà Trưng, Colette, Bạch Đằng tổ chức cho HS vẽ tranh ảnh chia sẻ về ngôn ngữ yêu thương; tuyên truyền việc nhận diện khoảng cách để bảo vệ an toàn cho HS; truyền thông về những hành vi được phép và không được phép trong các mối quan hệ để phòng tránh quấy rối… Trường THCS Đoàn Thị Điểm tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về tình yêu, tình bạn tuổi học trò, phòng chống xâm hại để cảnh báo, nhắc nhở HS.
Hoạt động giáo dục giới tính tại Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) khá đa dạng. Trong những tiết sinh hoạt dưới cờ, nhà trường xây dựng chuyên đề truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên và phòng tránh mang thai sớm; tình yêu tuổi học trò và bạo lực trong hẹn hò…
Vào mỗi buổi sinh hoạt CLB tâm lý học đường, giáo viên phụ trách tâm lý cùng các chuyên gia giảng dạy các chuyên đề về giới tính như: tình yêu – tình bạn; giới – bình đẳng giới; bản dạng giới và sự đa dạng về xu hướng tính dục; bệnh lây lan qua đường tình dục và sức khỏe sinh sản…
Cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên phụ trách phòng Tâm lý của Trường THPT Tây Thạnh, chia sẻ cùng với sự xuất hiện của tuổi dậy thì ở trẻ là sự xuất hiện các nhu cầu về tính dục, nhu cầu này là một tất yếu ở mỗi con người bình thường. Tuy nhiên, các em không thể lý giải được những nhu cầu này và cũng chưa biết cách để ứng xử khoa học, vì thế sẽ tò mò tìm hiểu.
Theo cô Hường, giáo dục giới tính là một điều vô cùng cấp thiết và quan trọng, càng thực hiện sớm càng tốt và tất nhiên là phải phù hợp với từng giai đoạn lứa tuổi. (còn tiếp)
Mỗi năm, hơn 1.200 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục
Tại hội thảo đối thoại chính sách về “Giáo dục giới tính và tình dục toàn diện” do Viện Khoa học giáo dục VN tổ chức mới đây, đại diện UNICEF VN cho hay mỗi năm ở VN có hơn 1.200 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. Đây là con số được báo cáo, con số thực tế có thể cao hơn. Tức là mỗi tháng có trên 100 trường hợp hay mỗi ngày có hơn
3 trường hợp. Hơn 30% thanh niên VN có nhu cầu về tình dục an toàn nhưng không được đáp ứng. Hơn 50% các bạn trẻ chuyển giới hoặc song giới được báo cáo bị bạo lực, bắt nạt khi ở trường. Nhiều người trong số họ đã tự tử hoặc có ý định tự tử vì bạo lực và bắt nạt.
Để giải quyết vấn đề này và để chấm dứt những con số ám ảnh đó, không có cách nào triệt để hơn là một chương trình giáo dục về giới tính, tình dục một cách toàn diện và được bắt đầu phù hợp.
Giáo dục giới tính sao cho không phản cảm ?
Theo thạc sĩ Hoàng Sĩ Đăng, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống trong các trường THPT tại TP.HCM “nếu nói “huỵch tẹt” thì phản cảm, nói tránh né quá thì HS không hiểu”. Do vậy, ngôn ngữ sử dụng cũng phải tinh tế, khoa học và cần độ duyên dáng trong truyền đạt. Tâm lý HS sẽ không bao giờ hỏi người lớn khi thắc mắc. Các em sẽ tự tra cứu thông tin trước, sau đó là hỏi bạn bè, anh chị… Vì thế, nhà trường cần mạnh mẽ tuyên truyền trong HS, thông qua các hoạt động đoàn, hội, sinh hoạt, giáo dục kỹ năng…
Nguồn : thanhnien.vn
Bình luận