Sal Khan trao đổi trực tuyến tại hội thảo “Trí tuệ nhân tạo (AI) và tương lai của giáo dục”, ngày 28/2. Ảnh: Thanh Hằng
Theo Khan, ở bậc phổ thông, AI có thể trở thành gia sư riêng cho mỗi học sinh.
Dẫn lại kết quả của mô hình Bloom (6 cấp độ tư duy), Khan cho biết hiệu quả học sẽ tăng 30% nếu học sinh học gia sư riêng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí thuê gia sư 1:1 đắt đỏ, trong khi không phải gia đình nào cũng có điều kiện. Ông thấy rằng AI có thể giải quyết việc này.
Dựa trên nền tảng ChatGPT, Khan đang thử nghiệm mô hình AI gia sư. Thay vì trả lời trực tiếp và giải luôn bài tập cho học sinh, công cụ này đưa ra các gợi ý, kiến thức liên quan tới vấn đề, từ đó giúp các em tìm được hướng giải quyết. Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh được trao quyền để giám sát nội dung trao đổi giữa học sinh với AI, đảm bảo các em sử dụng đúng mục đích học tập.
“Tôi nghĩ đây là cách AI vừa hỗ trợ việc học, lại không khiến học sinh mất động lực”, Khan nói, cho biết sẽ phát triển rộng rãi mô hình AI gia sư này, nếu kết quả thử nghiệm khả quan.
Đồng tình, PGS.TS Lê Chí Ngọc, giảng viên khoa Toán – Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết nhận được nhiều ý kiến e ngại trước sự phát triển nhanh chóng của AI cũng như những rủi ro nếu học sinh, sinh viên dùng công cụ này.
Ông Ngọc nhìn nhận đây là xu hướng thế giới. Việc ngăn người học sử dụng AI khiến các em thiệt thòi trong việc thích ứng thời đại, thiếu những kỹ năng cần thiết như tra cứu thông tin, giải quyết vấn đề… khi đi làm.
“Việc cần làm là hướng dẫn học sinh, sinh viên dùng AI hiệu quả”, ông Ngọc nói.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Ngọc cho sinh viên tham khảo câu trả lời của ChatGPT khi làm tiểu luận, đồ án, thậm chí là thi vấn đáp. Ông cho rằng quá trình người học tiếp nhận câu hỏi của giảng viên, rồi chuyển yêu cầu đó thành câu lệnh cho AI, sau đó lựa chọn một số nội dung từ phần trả lời của công cụ này cũng đòi hỏi sự tư duy, kỹ năng tổng hợp, phân tích thông tin mà sinh viên cần có.
Không phủ nhận tiềm năng của AI, song PGS.TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, cũng lưu ý người dùng cẩn trọng với AI, bởi công cụ này vẫn trong quá trình hoàn thiện và phát triển.
Lấy ví dụ với một số nội dung nhạy cảm, ChatGPT có thể từ chối trả lời trực tiếp. Nhưng nếu người dùng khéo léo đặt tình huống, thay đổi cách hỏi, công cụ này vẫn cho đáp án. Vì vậy, ông Hà nhìn nhận vẫn có rủi ro khi để người học tiếp cận AI, đòi hỏi nhà trường và gia đình có sự đồng hành, hướng dẫn và giám sát.
Đánh giá tổng quan, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận AI mang đến những cơ hội lớn về đổi mới giáo dục, tạo môi trường học hiệu quả, như cá nhân hóa việc học, từ đó phát huy năng lực mỗi học sinh; hỗ trợ giáo viên thiết kế bài giảng; khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề. Còn ở góc độ gián tiếp, AI giúp phân tích dữ liệu về học tập, xu hướng ngành nghề và nhu cầu tuyển dụng, cung cấp thông tin hữu ích cho người học, nhà quản lý.
“Giáo dục nhằm phát triển năng lực trí tuệ của con người từ nay trở đi sẽ luôn gắn bó, kết hợp với những năng lực của AI. Đây là điều cốt lõi về vai trò của AI trong giáo dục tương lai”, ông Phúc nói.
Nguồn: Vn Express
Bình luận