Thói quen đọc sách có vai trò, vị trí quan trọng đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Ngược lại, bạn đọc chính là cốt lõi của sự phát triển của sách và văn hóa đọc.
Sách hay cần bạn đọc
Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành – chia sẻ tại buổi thông tin báo chí hôm 12.4, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 có 4 thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”, khác so với năm ngoái là 2 thông điệp và các năm trước tóm gọn theo chủ đề.
Ông Nguyễn Nguyên lý giải: “Có thể thấy rằng cả 4 thông điệp đều nhấn mạnh vào sách hay và hướng đến bạn đọc. Muốn lan tỏa sách ta cần hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Vì vậy, năm chúng tôi đưa ra 4 thông điệp ứng với những mục đích khác nhau”.
Trong đó, “Sách hay cần bạn đọc” khẳng định gốc rễ của sự phát triển của sách là văn hóa đọc, không có bạn đọc thì cũng không có Ngày sách. Thứ hai, “Sách quý tặng bạn” khuyến khích sách sẽ trở thành món quà tặng không chỉ tại các sự kiện văn hóa mà còn đi vào đời sống hằng ngày của người dân.
Ngành xuất bản đang đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền. Để giải quyết căn cơ bài toán này, cần thay đổi nhận thức của độc giả cùng lúc đẩy mạnh các biện pháp quản lý. Chúng tôi hy vọng độc giả “Tặng sách hay – Mua sách thật” cho nhau như một động lực cho ngành xuất bản phát triển lâu dài.
Thông điệp “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe” đề cập đến câu chuyện phát triển, khả năng đáp ứng nhu cầu của độc giả. Ngày nay, sách không chỉ tồn tại ở phương thức truyền thống là sách giấy mà còn có sách 3D, sách điện tử, sách nói. Ngành xuất bản muốn phát triển cần đa dạng trải nghiệm của bạn đọc.
Ban tổ chức kỳ vọng thời gian tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 có nhiều ngày nghỉ hơn, bao gồm 2 ngày cuối tuần và ngày nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, từ đó có thể thu hút nhiều độc giả đến tham gia các hoạt động.
Nỗ lực tăng tỉ lệ đọc của người Việt
Năm nay, Cục xuất bản, In và Phát hành bố trí nhiều khu trưng bày sách của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sách đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia; giới thiệu cuốn sách 3D về Văn Miếu – Quốc Tử Giám; sách lịch sử, khoa học công nghệ…
“Chúng tôi tập trung trưng bày các đầu sách về lịch sử, văn hóa để gắn với khuôn viên của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi gắn liền với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của dân tộc. Ngày sách cũng giới thiệu những cuốn sách đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia. Chúng tôi nhận định truyền thông về Giải thưởng Sách Quốc gia là truyền thông quanh năm, cũng như Giải thưởng Sách Quốc gia là dịp để thúc đẩy văn hóa đọc. Để biến văn hóa đọc trở thành một nét đẹp văn hóa, ta cần tuyên truyền thường xuyên, quanh năm để hình thành thói quen cho người dân” – ông Nguyễn Nguyên cho biết.
Theo dữ liệu của Cục xuất bản, In và Phát hành, Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia Đông Nam Á xuất bản sách sản lượng lớn hằng năm. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 500-600 triệu bản sách. Trong đó sách giáo khoa, giáo trình, sách bài tập phục vụ giáo dục vẫn chiếm tỉ trọng lớn. Hiện nay, nếu không tính sách giáo khoa, tỉ lệ đọc của người Việt chỉ khoảng 2 đầu sách/người. Đến năm 2030, mục tiêu đặt ra là tỉ lệ đọc tăng lên 4 đầu sách/người.
Ngành xuất bản Việt Nam đang bước vào quá trình chuyển đổi mạnh mẽ. Sau 5 năm, số lượng nhà xuất bản chuyển đổi số, phát hành sách điện tử đã tăng từ 2 lên 27 đơn vị, mỗi năm xuất bản hơn 4.000 đầu sách điện tử. Đặc biệt, thị trường sách nói phát triển mạnh, quy mô thị trường khoảng 80 tỉ đồng.
Con số 70% người Việt Nam sử dụng internet cho thấy cơ hội mở rộng và lan tỏa văn hóa đọc trên không gian mạng nhưng cũng đặt ra bài toán giải quyết vấn đề xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Để xây dựng một hệ sinh thái sách hiện đại, tiên tiến, ngành xuất bản cần đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ bản quyền sách, nâng cấp cơ sở vật chất đồng bộ, từ đó thu hút độc giả, hình thành văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nguồn : laodong.vn
Bình luận