Tôi phải làm thế nào khi mâu thuẫn trong quan điểm nuôi dạy con với bố mẹ chồng?
Tôi có một bé 15 tháng tuổi và sắp sinh bé thứ hai. Bố mẹ đẻ tôi vẫn đi làm, còn bên chồng thì mẹ chồng buôn bán ngoài chợ, bố chồng nghỉ hưu và gần 60 tuổi. Khi bé đầu 6 tháng, hết thời gian nghỉ thai sản, vợ chồng tôi nhờ ông nội từ quê lên Sài Gòn trông cháu một thời gian. Tôi biết con mình, mình phải chăm, ông bà đã vất vả chăm con cả đời rồi, giờ là lúc nghỉ ngơi nên không thể bắt ông bà phải có trách nhiệm chăm cháu. Nhưng ông nội có ý định lên chăm cháu giúp đỡ vợ chồng tôi. Hơn nữa con tôi lúc đó còn nhỏ quá, cho đi học cũng tội nên hai vợ chồng vui vẻ đồng ý.
Mọi mâu thuẫn bắt đầu từ đây, khi quan điểm nuôi dạy cháu của ông và vợ chồng tôi quá khác biệt. Bố chồng khá kỹ tính, gia trưởng và bảo thủ. Quan điểm nuôi dạy của ông theo kinh nghiệm truyền thống, theo những gì ông đã tích lũy được khi nuôi chồng và anh chồng tôi ngày trước. Ông rất áp lực về chuyện cân nặng của cháu, hàng tuần đều cân xem cháu tăng lạng nào không. Ông sợ hàng xóm nói ra nói vào, sợ người ta quở ông nuôi cháu không lớn nên khi cho cháu ăn, ông ép cho cháu ăn thật nhiều cháo. Cháu không chịu ăn thì mở điện thoại để dụ. Kết quả là bây giờ con tôi ăn uống phải phụ thuộc vào điện thoại. Tôi nhờ ông tăng ăn thô cho cháu nhưng khi thấy cháu nhợn, ói, ông lại sợ cháu hóc nên giờ bé 15 tháng vẫn ăn cháo nhuyễn, không ăn được thô hay cơm.
Còn về chuyện nêm gia vị, tôi đã nói không nêm gia vị cho trẻ em dưới một tuổi, cũng giải thích tác hại ảnh hưởng tới gan, thận khi cho trẻ ăn gia vị quá sớm nhưng ông không chịu. Ông ăn rất mặn nên mỗi lần nấu cháo cho cháu, ông cũng nêm muối và cho rằng cháo phải đằm đằm một tí cháu mới ăn được, không nêm gì thì nhạt nhẽo, vô vị sao nó ăn. Tôi nói hoài nhưng đi làm rồi, ở nhà ông vẫn lén thêm muối thêm gia vị. Cuối cùng tôi phải thỏa hiệp. Tôi nói với chồng, anh sợ ông tự ái nên không nói nhiều. Tôi biết nhờ ông chăm cháu không thể cái gì cũng theo ý mình được, ai cũng muốn làm những điều tốt nhất cho cháu nhưng để thay đổi quan điểm của ông không phải ngày một ngày hai.
Bố chồng tôi nghiện thuốc lá và rượu. Lúc tôi mang bầu, ông nói sau này có cháu sẽ bỏ thuốc lá. Nhưng một người hút thuốc lá mấy chục năm sao nói bỏ là bỏ được, tới giờ sắp có hai cháu rồi, ông vẫn chưa bỏ được. Bây giờ mỗi ngày ông hút tầm 3-4 điếu. Tôi rất sợ con phải hút thuốc lá thụ động khi ở với ông cả ngày. Tôi có ích kỷ quá không? Hiện tại, tôi sắp sinh bé thứ hai. Theo ý chồng là gửi bé đầu về quê nhờ ông bà nội chăm sóc mấy tháng. Ở Sài Gòn, ông gò bó, lại không có bạn bè hàng xóm nói chuyện. Về quê tuy bà vẫn đi làm nhưng có thời gian chạy về phụ ông và chơi với cháu. Dù rất nhớ con nhưng tôi cũng đồng ý. Sau này sinh bé thứ hai ổn định xong, tôi sẽ đón con lên rồi cho cháu đi học.
Tôi tưởng cho con về quê sẽ ổn hơn nhưng thật ra không ổn chút nào. Về dưới đó, có tivi, điện thoại đầy đủ, ông lại cho cháu xem 3-4 tiếng một ngày. Ăn cháo lúc nào cũng phải có điện thoại trước mặt, cháu khóc lại mở ti vi để dỗ. Tôi rất sợ con xem nhiều tivi, điện thoại quá sẽ ảnh hưởng tới mắt, cột sống, hay nặng hơn là nghiện tivi, điện thoại dẫn đến chậm nói, tự kỷ. Chẳng biết có phải do sắp sinh, hoocmon thay đổi nên tôi suy nghĩ quá nhiều không.
Tôi luôn nghĩ tới những điều tiêu cực khi con sống với ông bà theo cách không khoa học như vậy và luôn cảm thấy bất lực, có lỗi khi không thể ở bên chăm sóc con trong giai đoạn ba năm đầu đời quan trọng. Tôi tâm sự với chồng và mong muốn mấy tháng nữa sinh xong, ổn định sẽ đón con lên lại Sài Gòn và cho đi học. Lúc ấy con được 19-20 tháng, tầm tuổi đó đi học được rồi. Chồng tôi vẫn muốn nhờ ông bà chăm con tới năm ba tuổi. Tôi thực sự không yên tâm khi để con ở với ông bà, vẫn muốn được ở bên cạnh, kèm cặp, uốn nắn và chăm sóc con nên người. Tôi phải làm thế nào đây?
Bình luận