Dưới đây là những công cụ hỗ trợ nếu bạn rơi vào tình cảnh này.
Thấu hiểu nguồn cơn của sự tức giận
Sự tức giận về cơ bản là một sự phản kháng chống lại cảm giác bị ngắt kết nối. Vì chúng ta có thể đã lớn lên và không thể khôi phục kết nối theo những cách hiệu quả, nên chúng ta dùng sự tức giận như cách duy nhất để bày tỏ sự không hài lòng với hoàn cảnh của mình.
Nói tóm lại, tức giận là một cảm xúc thứ cấp thường dùng để che đậy nỗi sợ hãi hoặc nỗi buồn.
Sự nguy hiểm của tức giận là nó mạnh đến mức chúng ta có thể mất kiểm soát. Một người giận dữ có thể trải nghiệm cuộc sống như địa ngục trần gian cũng như khiến cuộc sống của những người thân yêu trở nên khốn khổ.
Thể hiện sự tức giận có lành mạnh không?
Việc kìm nén cảm xúc nói chung là không nên nhưng thể hiện sự tức giận hoặc thịnh nộ có thể cực kỳ nguy hiểm.
Nghiên cứu về não cho thấy rằng một người càng nổi giận thì xu hướng giận dữ trong não càng có nguy cơ tái bùng phát. Điều này có nghĩa là sự tức giận sẽ tăng tần suất nếu không được kiểm soát.
Dù chúng ta đang thể hiện tình yêu hay sự tức giận, càng diễn đạt cảm xúc của mình thành lời thì cảm xúc của chúng ta càng trở nên mãnh liệt. Đây là lý do tại sao một gợi ý phổ biến để dập tắt cơn giận là giữ im lặng, vì khi chúng ta im lặng, cường độ tức giận sẽ tiêu tan.
Cách đối phó với sự tức giận của bản thân
Cách tốt nhất để giải quyết sự tức giận trong một mối quan hệ là học cách bày tỏ cảm xúc của mình một cách an toàn, vừa nắm quyền sở hữu thay vì đổ lỗi, vừa đưa ra những nhu cầu chưa được đáp ứng.
Ví dụ, thay vì giận dữ với đối tác vì không quan tâm đến bạn hoặc có hành vi sai trái với bạn, hãy chia sẻ nỗi đau của bạn và yêu cầu những gì bạn cần.
Khi chúng ta tức giận, não của chúng ta bị mắc kẹt trong hạch hạnh nhân, phần não bò sát nguyên thủy nơi chúng ta trải qua phản ứng chiến đấu/bỏ chạy.
Học cách giao tiếp bất bạo động là cách tốt nhất để thoát khỏi bế tắc vì nó buộc chúng ta phải sử dụng vỏ não trước trán.
Điều này làm dịu não và ngăn không cho cơ thể chúng ta tràn ngập các hormone gây căng thẳng.
Khi sử dụng lời nói và thái độ bình tĩnh, chúng ta cũng có thể tỉnh táo và kiểm soát hành động của mình tốt hơn. Chúng ta bắt đầu khám phá lý do tại sao mình cảm thấy tức giận.
Cách hóa giải cơn giận của đối phương
Sống chung với người bạn đời giận dữ có thể khiến bạn cảm thấy đáng sợ. Tuy nhiên, đừng cố gắng xoa dịu đối phương khi anh ấy/cô ấy đang tức giận và đừng an ủi trong khi họ đang buồn bã, tổn thương. Nếu vợ/chồng bạn khó chịu với bạn, việc xin lỗi vào lúc này thường không có hiệu quả.
Một người đang chìm đắm trong cảm xúc sẽ không quan tâm đến việc nghe người khác nói gì, họ hoàn toàn tập trung vào bản thân mình.
Thay vào đó, hãy cho họ không gian để cảm nhận những gì họ đang cảm thấy. Chỉ cần nói với họ: “Những gì anh/em đang nói là hoàn toàn có lý”. Khi mọi chuyện đã lắng xuống, bạn có thể xin lỗi và giải thích ý định của mình.
Một cách hữu ích khác để đối phó với cơn giận của đối phương là cố gắng tưởng tượng rằng họ đang đau đớn và bạn có lòng trắc ẩn đối với họ.
Mặc dù điều này có thể khó khăn nếu bạn cảm thấy như mình đang bị tấn công nhưng nó sẽ giúp bạn trải nghiệm cảm xúc đối tác dưới một góc nhìn hoàn toàn mới.
Thay vì phán xét đối phương, bạn sẽ tiếp cận anh ấy/cô ấy một cách yêu thương hơn và hiểu được nguyên nhân của sự tức giận.
Nếu làm được điều đó, bạn sẽ cảm thấy bớt bị đe dọa và cơn giận của vợ/chồng bạn sẽ nguôi ngoai nhanh hơn.
Tất cả chúng ta đều mong muốn có được sự kết nối sâu sắc trong các mối quan hệ của mình. Chữa lành những tổn thương trong mối quan hệ là cách tốt nhất để đạt được một cuộc hôn nhân tràn ngập sự bình yên, thanh thản và kết nối.
Cũng cần lưu ý rằng các vấn đề sức khỏe thể chất có liên quan một cách khoa học đến sự tức giận bao gồm bệnh tim, đau đầu, các vấn đề về tiêu hóa, bệnh chàm, mất ngủ, trầm cảm và lo lắng.
Một nghiên cứu năm 2016 phát hiện những người có xu hướng bộc phát giận dữ khi xảy ra xung đột trong hôn nhân có nhiều khả năng phát triển các vấn đề về tim mạch sau này trong cuộc sống.
Nguồn : giaoducthoidai.vn
Bình luận