Trong giờ ăn bữa chiều, một cháu bé lớp lá tại một trường mầm non bất cẩn làm đổ nước canh lên người. Giáo viên mầm non phải đối mặt tình huống khó xử với phụ huynh.
“Chết con tôi rồi!”
May mắn là canh đã nguội nên đứa trẻ không bị phỏng nhưng trang phục trên người bị vấy bẩn vì thức ăn.
Giáo viên mầm non thấy vậy vội vã lau người cho cháu và nhanh chóng tìm một bộ đồ khác để thay. Ngay lúc ấy, thì phụ huynh đến đón cháu. Thấy con mình như vậy bà mẹ gay gắt: “Chết con tôi rồi! Các cô làm sao mà con tôi bị phỏng vậy?”.
Mặc cho cô giáo phân trần và xin lỗi, người phụ nữ vẫn cứ to tiếng và dọa sẽ làm lớn chuyện. Thật khốn khổ cho cô giáo, đứng khép nép và nhẫn nhịn trước những lời lẽ khiếm nhã của phụ huynh.
Bất chợt, cậu bé lên tiếng : “Mẹ ơi, đừng la cô nữa! Tại con làm đổ canh chứ không phải là cô”. Lời nói trẻ con vang lên làm cho không khí căng thẳng bỗng như dịu lại. Người mẹ bỗng dưng bối rối vì những lời nói của con mình.
Phụ huynh vội vàng bước đến trước mặt giáo viên và nói: “Tôi xin lỗi cô vì thái độ vừa rồi. Mong cô thông cảm vì tôi quá lo cho con!”. Giọng nói của nữ phụ huynh hơi lạc đi.
Cô giáo lúc ấy mới lên tiếng: “Lúc nào, sự an toàn của các cháu cũng trên hết chị ạ! Tuy nhiên, đôi khi cũng có sự cố ngoài ý muốn của mình. Tôi cũng mong chị bỏ qua vì sự việc vừa qua nhé”. Vừa nói cô giáo ân cần nắm tay người mẹ với nụ cười đã trở lại trên gương mặt khi biết con mình không sao.
Một bài học cho con trẻ
Tôi là người chứng kiến câu chuyện khi đến thăm một người bạn ở một trường mẫu giáo. Đây là một bài học về cách ứng xử có văn hóa và nhân văn giữa phụ huynh và giáo viên. Thái độ của cô giáo thật nhã nhặn, ngôn từ nhẹ nhàng trong lúc phụ huynh đang nóng giận. Điều này cho thấy nữ giáo viên mầm non thể hiện tác phong sư phạm chuẩn mực.
Về phần mình, nữ phụ huynh cũng đã dạy cho con mình một bài học về kỹ năng sống qua việc xin lỗi cô giáo – Biết sai và thừa nhận lỗi của mình.
Ở trường mầm non, giáo viên như là một bà mẹ thứ hai của trẻ bởi vì các cô phải chăm sóc trẻ từ bữa ăn cho đến giấc ngủ. Các cô phải đến sớm để đón trẻ và hầu như phải về muộn nếu phụ huynh đến đón con muộn.
Với một lớp học có sĩ số đông, giáo viên mầm non thật vất vả để quán xuyến toàn bộ công việc của mình – tổ chức hoạt động giáo dục với những lĩnh vực khác nhau như mỹ thuật, thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, kỹ năng… Vì vậy, phụ huynh cần có sự thông cảm và chia sẻ với các cô để góp phần vào việc giáo dục con em mình ngay từ thuở ban đầu.
Với mức lương và áp lực công việc như hiện nay thật khó mà thu hút được những người trẻ chọn nghề giáo viên mầm non.
Tôi rất mong trong tương lai có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho giáo viên mầm non để họ yên tâm với nghề và làm động lực cho những bạn trẻ mạnh dạn tiếp bước những thế hệ đi trước, viết tiếp những ca từ thật dễ thương trong bài hát Cô nuôi dạy trẻ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Cô yêu từng đôi mắt sáng. Long lanh như những giọt sương … ‘ .
Nguồn : thanhnien.vn
Bình luận