Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ qua và tiếp tục đối mặt mùa hè nắng nóng gay gắt. Liên hợp quốc cảnh báo rằng, đồng hồ đang đếm ngược và thế giới không thể chậm trễ hơn khi chỉ còn hai năm để hành động cứu hành tinh xanh.
Nắng nóng kỷ lục
Nhiệt độ trên toàn cầu đã phá kỷ lục khi sóng nhiệt xuất hiện trên các đại dương và các sông băng tan chảy, khiến 2023 trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay. Theo dữ liệu của Copernicus, trong tháng 3 vừa qua, nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở mức 14,14 độ C, ấm hơn 1,68 độ C so mức nhiệt trung bình tháng trong giai đoạn 1850-1900 của thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp. Từ tháng 6/2023, nhiệt độ Trái đất liên tiếp xác lập kỷ lục mới, với các đợt nắng nóng khắp các đại dương trên toàn cầu.
Tại châu Á, Ấn Độ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và dễ bị tổn hại bởi nắng nóng. Tình trạng này ngày càng trở nên xấu đi với việc tần suất và khoảng thời gian xuất hiện nắng nóng, sóng nhiệt liên tục gia tăng và kéo dài. Số ngày và đêm nóng bức đã tăng lên đáng kể và được dự đoán tăng từ 2 đến 4 lần vào năm 2050. Các đợt nắng nóng cũng được dự đoán đến sớm hơn, kéo dài hơn và trở nên thường xuyên hơn.
Hằng năm, nắng nóng cực đoan đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người dân Ấn Độ. Số liệu chính thức cho biết, các đợt nắng nóng từ năm 1992 đến 2015 đã khiến hơn 22.000 người chết. Theo dự báo của Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD), quốc gia Nam Á sẽ đối mặt với nắng nóng cực đoan từ tháng 4 đến tháng 6. Trong bối cảnh đó, Bộ Y tế Ấn Độ đã tổ chức một cuộc họp đánh giá về mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế trong xử lý các bệnh liên quan đến nắng nóng.
Khu vực Đông Nam Á được cảnh báo có thể chịu ảnh hưởng nắng nóng nặng nề hơn so với các khu vực khác, trong đó Thái Lan có thể phải đối mặt với thời tiết nắng nóng cực đoan lên tới 220 ngày/năm trong khoảng 20 năm tới, nếu không hành động quyết liệt ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu. Theo Giáo sư Seree Suparathit, Giám đốc Trung tâm Biến đổi khí hậu và Thiên tai tại Đại học Rangsit, nếu thỏa thuận tại Hội nghị lần thứ 21 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21) không được thực hiện hiệu quả, thì khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan sẽ phải trả giá đắt.
Căn cứ trên Báo cáo đánh giá 5 (AR5) và Báo cáo đánh giá 6 (AR6) của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), ông Seree cho biết, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, Thái Lan sẽ phải hứng chịu các đợt nắng nóng kéo dài 20-30 ngày ở các vùng phía bắc, thượng và trung của khu vực Đông Bắc (gọi tắt là khu vực 1), trong khi khu vực miền Trung và hạ Đông Bắc (khu vực 2) phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt từ 30-40 ngày/năm. Nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C, số ngày cực nóng sẽ là 50-60 ngày ở khu vực 1 và từ 60-80 ngày ở khu vực 2. Trong kịch bản xấu nhất-nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 4,5 độ C, các đợt nắng nóng có thể kéo dài 180-220 ngày ở khu vực 1 và lên tới 220-240 ngày ở khu vực 2.
Những cánh rừng bị thiêu rụi
Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng tần suất và quy mô, cũng như mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng. Theo báo cáo về các vụ cháy rừng ở châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi, do Ủy ban Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu (EC) thực hiện, mùa cháy rừng năm 2023 ở châu Âu là một trong những đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong thế kỷ này. Trong năm 2023, các vụ cháy đã thiêu rụi hơn 504.000 ha rừng-diện tích lớn gấp đôi đất nước Luxembourg. Năm 2023 trở thành một trong những năm xảy ra cháy rừng tồi tệ nhất thế kỷ.
Cháy rừng gia tăng trong mùa hè 2023 ảnh hưởng chủ yếu đến khu vực Địa Trung Hải, trong đó Hy Lạp (khu vực gần Alexandroupoli) hứng chịu trận hỏa hoạn lớn nhất xảy ra ở châu Âu từ những năm 1980. Chính quyền Hy Lạp mới đây nâng cảnh báo nguy cơ cháy rừng lên mức cao, sau khi hàng chục đám cháy bùng phát khắp nước này. Các vụ cháy rừng đã tạo ra khoảng 20 megaton khí thải CO2 -bằng gần một phần ba tổng lượng khí thải từ hoạt động hàng không quốc tế ở Liên minh châu Âu (EU) trong một năm.
Tại châu Mỹ, Chính phủ liên bang Canada cho biết, nước này đang phải đối mặt với nguy cơ lại trải qua một mùa cháy rừng thảm khốc, khi dự báo nhiệt độ trong mùa xuân và mùa hè tại hầu hết các khu vực trên cả nước cao hơn mức bình thường, do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Nino. Năm ngoái, Canada đã trải qua mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận, với hơn 6.600 đám cháy thiêu rụi 15 triệu héc-ta rừng, gấp gần 7 lần so với diện tích rừng bị cháy trung bình hằng năm.
Trong mùa đông năm nay, nhiệt độ ở Canada cao hơn mức bình thường và hạn hán lan rộng. Canada một lần nữa đứng trước nguy cơ một mùa hè có khí hậu khắc nghiệt. Thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có nắng nóng gây cháy rừng, ước tính hơn 3,1 tỷ CAD.
Hành động khẩn cấp
Với mức độ CO2 trong khí quyển đạt mức cao mới là 425 ppm vào năm ngoái, thế giới đã chứng kiến mười năm ấm nhất được ghi nhận trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2023. Giới khoa học đã lường trước xu hướng này do diễn biến mạnh của El Nino-hình thái thời tiết gây nhiệt độ cao tại vùng trung tâm Thái Bình Dương và tác động tới các hiện tượng thời tiết trên toàn cầu. Theo nhà khoa học Jennifer Francis, thuộc Trung tâm Nghiên cứu khí hậu Woodwell, sự kết hợp của hiện tượng El Nino với các đợt nóng bất thường ở đại dương đã thúc đẩy những kỷ lục về nhiệt độ.
Giới khoa học cũng cho biết, mục tiêu giảm 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 là vô cùng quan trọng để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở 1,5 độ C-giới hạn giúp tránh những tác động nguy hiểm nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, năm 2023, lượng phát thải khí CO2 trong lĩnh vực năng lượng của thế giới đã tăng cao kỷ lục. Các cam kết hành động chống biến đổi khí hậu được đưa ra cho đến thời điểm hiện tại gần như không thể đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.
Trước tình trạng trên, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) Simon Stiell cảnh báo: Khoảng thời gian hai năm tới có ý nghĩa quyết định trong nỗ lực cứu Trái đất trước các mối đe dọa từ biến đổi khí hậu. Các nước vẫn còn cơ hội giảm lượng khí thải nhà kính bằng các kế hoạch quốc gia mới, song cần thực hiện những kế hoạch đó ngay lập tức và mạnh mẽ hơn. Ông Stiell kêu gọi các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vốn chiếm 80% tổng lượng khí thải toàn cầu, phải có những động thái khẩn trương và quyết liệt hơn. Quan chức Liên hợp quốc đồng thời nhấn mạnh cần huy động thêm nguồn lực tài chính để đối phó biến đổi khí hậu, thông qua cơ chế miễn trừ nợ và cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các nước nghèo, cũng như các nguồn tài chính quốc tế mới, như thuế phát thải đối với ngành vận tải biển…
Biến đổi khí hậu đang biến sức nóng từ Mặt trời, vốn dĩ rất bình thường, thành một mối nguy hiểm không thể tránh khỏi đối với môi trường. Phần lớn nguyên nhân khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục hiện nay là tình trạng biến đổi khí hậu, mà chủ yếu do hoạt động của con người gây ra, như phát thải khí CO2 và mê-tan từ quá trình sử dụng than, dầu và khí đốt tự nhiên. Vòng luẩn quẩn này sẽ không thay đổi cho đến khi nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ngừng gia tăng.
Không còn nhiều thời gian để biến cam kết thành hành động và nhiệm vụ chính của các cuộc đàm phán về khí hậu tại COP29 ở Azerbaijan cuối năm 2024 sẽ là cơ hội thúc đẩy các quốc gia thống nhất một mục tiêu mới về tài chính khí hậu, nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển gặp khó khăn trong việc đầu tư chuyển đổi năng lượng và chống biến đổi khí hậu.
Nguồn : nhandan.vn
Bình luận