Chưa bao giờ thuật ngữ “chữa lành”, các phương pháp “chữa lành”, nhất là các dịch vụ “chữa lành” lại thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng và “chiếm sóng” trên không gian mạng như hiện nay. Không phủ nhận một số phương pháp “chữa lành” như thiền, thay đổi thói quen sinh hoạt, tìm về với thiên nhiên, hay tham gia các hoạt động xã hội… đã giúp nhiều người hàn gắn được những tổn thương tâm lý. Tuy nhiên, bài viết này chỉ đề cập tình trạng một bộ phận giới trẻ đã “làm quá” cái gọi là “tổn thương tâm lý” và tình trạng lợi dụng trào lưu “chữa lành” để trục lợi.
Người trẻ mong manh
Có một sự tréo ngoe là cuộc sống càng đủ đầy, con người càng hay xét nét cuộc sống của người khác và của chính mình nhiều hơn. Và lạ thay, chính giới trẻ – những người nhẽ ra phải là điểm tựa, là trụ cột trong mỗi gia đình, mỗi tổ chức, cơ quan lại trở nên… mong manh, dễ tổn thương trước một thế giới phẳng, trở thành đối tượng chính của trào lưu “chữa lành” hiện nay.
Người trẻ bây giờ rất lắm bệnh, không phải bệnh lý mà là bệnh tâm lý. Căn nguyên của những bệnh tâm lý ấy là do quá lệ thuộc vào thế giới ảo. Trong một thế giới được kết nối với internet, cuộc sống cá nhân bị phơi bày càng có nguy cơ bị căng thẳng tâm lý khi phải chứng kiến những lời chỉ trích, tấn công, bắt nạt người khác hay với chính mình. Từ sau đại dịch Covid-19, cuộc sống người trẻ dường như căng thẳng hơn do khó khăn về tài chính, việc làm cũng như một số thói quen phải thay đổi. Nhưng ngay cả những người không mang nỗi lo cơm áo thì có người lại so sánh với người khác về những gì mình đã hoặc chưa có. Và thay vì phấn đấu, nhiều người trẻ lại tự dằn vặt, bi kịch hóa hiện thực, thậm chí chỉ vì chiếc xe hơi của mình quá dẹo dọ so với xe của thằng bạn học cùng lớp phổ thông. Rồi chỉ vì những vấp ngã đầu đời, những thất bại trong buổi đầu khởi nghiệp, chuyện tình yêu không suôn sẻ, thậm chí chỉ là câu trách mắng của cha mẹ, người thân cũng có thể “hạ gục” một bạn trẻ nào đó!
Trong tình hình ấy, mạng xã hội lại xuất hiện các hội, nhóm rất tiêu cực, hướng dẫn người trẻ cách tự tử. Có những clip mà nhân vật chuẩn bị cho việc tự vẫn của mình rất công phu. Tất cả diễn biến tâm lý cũng như tuần tự các bước dẫn tới cái chết của nhân vật đều được ghi hình chi tiết đến rợn người. Và trong lúc các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa có biện pháp để loại bỏ những trang mạng nguy hiểm nêu trên thì nó lại thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều bạn trẻ đang bị lo âu, trầm cảm nhưng không được người thân lắng nghe, cả những bạn không có vấn đề về tâm lý nhưng vẫn tò mò xem. Cái thế giới được vẽ ra trong những sản phẩm tưởng tượng ấy khiến tâm hồn người trẻ bị tổn thương, hoặc nghĩ là mình bị tổn thương và càng thấy lạc lõng, cô độc trong cuộc sống. Và khi bắt gặp một nhân vật bất hạnh trong clip nào đó, họ đồng cảm vì thấy giống hoàn cảnh của mình. Nếu không hành động tiêu cực như nhân vật, họ cũng thu mình trong thế giới u ám đó. Và nếu may mắn thoát chết thì cũng ảnh hưởng rất tệ đến tính cách, nhân cách và tương lai của họ.
Những người có “sứ mệnh chữa lành”
Khi phát hiện nhân tình của chồng chính là cô bạn thời phổ thông, M kiên quyết viết đơn ly hôn, dù ngay sau đó cô bạn đã “lặn không sủi tăm” và cả chồng, cả gia đình chồng đã xin lỗi M cùng gia đình cô. Bề ngoài M tỏ ra mạnh mẽ, quyết đoán, nhưng thời gian đầu sau ly hôn, cô bị mất ngủ kéo dài, phải điều trị trầm cảm. Rồi M bỗng thay đổi, từ một nhân viên văn phòng tại một cơ quan hành chính cấp tỉnh, ít nói và ít bạn bè, M bỏ việc và trở thành một “chuyên gia chữa lành” trên YouTube. Mỗi tuần, kênh YouTube của M lại có một chủ đề mới và diễn giả không ai khác chính là M. Tất nhiên, cô phải thuê ê-kíp phục vụ từ trang phục đến tạo cảnh, ghi hình. Cùng với diễn thuyết về các chủ đề liên quan tới tổn thương tâm lý và chữa lành, M còn hướng dẫn và cung cấp một số thuốc cùng thực phẩm chức năng để phục vụ những “thượng đế” tin tưởng và có nhu cầu. Đương nhiên, câu chuyện cô đã vượt qua tổn thương tâm lý thế nào, đã phải dùng loại thuốc và thực phẩm chức năng gì hỗ trợ để có ngày hôm nay chính là sự “bảo lãnh” an toàn đối với những ai còn chần chừ khi mua các sản phẩm do cô cung cấp!
Chuyện bỗng nhiên trở thành “chuyên gia chữa lành” như M không phải hy hữu. Một MC khá nổi tiếng của Đài Truyền hình Việt Nam, sau một tổn thương tâm lý khá nặng, nhờ phương pháp Thiền Tuệ Vipassana đã lấy lại được cân bằng trong tâm hồn. Và đồng nghiệp đã không khỏi bất ngờ khi MC này trả thẻ nhà báo, thẻ ngành cho cơ quan quản lý và trở thành một diễn giả khá nổi tiếng trên kênh YouTube. Tất nhiên, việc một MC Đài Truyền hình quốc gia trở thành một diễn giả trên YouTube là hết sức bình thường chứ không như trường hợp cô M đã đề cập ở trên. Hơn nữa, chủ đề diễn giả từng là MC truyền hình này đề cập không chỉ có “chữa lành” mà còn liên quan đến triết học, tâm lý học, phật học, văn học – nghệ thuật…
Cũng như cô M và MC nọ, nhiều câu chuyện người trẻ vượt qua được những áp lực tâm lý, trầm cảm hoặc bệnh tật được chia sẻ trên mạng dần trở thành những bài học kinh nghiệm, giúp người khác vượt qua giai đoạn bất ổn về tâm lý. Từ đó, họ trở thành các “chuyên gia tâm lý”, thành người có “sứ mệnh chữa lành” cho người khác!
Bát nháo dịch vụ “chữa lành”
Cô em họ từ TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương lên TP. Đồng Xoài chơi. Trong lúc những người đàn ông còn ngồi “chém gió”, cô kéo tôi lên phòng khách. Thấy tôi khen dạo này trông cô rạng rỡ hơn, cô hào hứng chia sẻ bí quyết để có được vẻ rạng rỡ ấy. Rồi cô thuyết phục tôi ăn chay, đăng ký học Thiền Tuệ và tham gia các khóa thiền. Qua câu chuyện, tôi nhận thấy cô có vẻ sa đà vào việc thiền và đang bị yếu tố tâm linh dẫn dắt, đến mức bắt cả hai con đang học đại học và THPT phải xin nghỉ học một tuần để cùng mình tham gia khóa thiền đặc biệt tại thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Thời gian đầu, anh chồng thấy vợ vui, khỏe hơn thì ủng hộ. Nhưng ngày càng thấy vợ mất nhiều thời gian, tiền bạc cho những khóa tu dài ngày; lại bắt con nghỉ học để thiền thì thấy lo. Anh nói, cuộc sống gia đình đang rất tốt, vợ chồng, con cái khỏe mạnh, vui vẻ, vậy mà cô ấy tự nhiên thấy “có vấn đề”, rồi đăng ký các khóa “chữa lành”. Lành đâu chưa thấy, chỉ thấy cục nợ bắt đầu to dần để phục vụ các khóa tu dài ngày và mua thực phẩm chức năng!
Nêu lên những điều đó không phải để “tẩy chay” các phương pháp chữa lành, bởi đây là quá trình trị liệu để phục hồi sự cân bằng trong tâm hồn và cơ thể của con người. Tuy nhiên, với chủ ý trục lợi, “chữa lành” đang trở thành cơ hội kiếm tiền bất chính của nhiều người. Không ít cá nhân, tổ chức đang lợi dụng sự bất ổn về tâm lý, nỗi đau trong tâm hồn nhiều người để lôi kéo, dụ dỗ họ tham gia những khóa học “chữa lành” với giá từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Nếu cứ mê muội tin vào các “chuyên gia” chưa từng qua đào tạo rồi tốn tiền, thời gian, công sức cho các lớp/khóa “chữa lành”, coi chừng lại rước họa bất an!.
Nguồn : baobinhphuong.com.vn
Bình luận