Người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa,…
Sáng 8/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Cân nhắc kỹ biện pháp phục vụ cộng đồng
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) dẫn ra quy định tại Điều 33 dự thảo luật quy định các công việc phục vụ cộng đồng áp dụng với người có hành vi bạo lực gia đình gồm: tham gia trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; tham gia các công việc khác cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Danh mục công việc quy định tại khoản này do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận trên cơ sở thảo luận, đề xuất của cộng đồng.
“Việc quy định về danh mục các công việc phục vụ cộng đồng như dự thảo luật là phù hợp, bởi đã được cộng đồng tham gia quyết định danh mục công việc của cá nhân, đảm bảo các yếu tố ngoại lệ, không bị coi là lao động cưỡng bức”- ông Nghĩa nêu quan điểm.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (đại biểu tỉnh Quảng Bình) cho rằng thực hiện công việc phục vụ cộng đồng không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Biện pháp này được áp dụng với người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ – trừ phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh hiểm nghèo, người khuyết tật nặng, đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình nhưng chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình quyết định và tổ chức thực hiện biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo đề nghị của người được phân công xử lý vụ việc bạo lực gia đình và theo nhu cầu của cộng đồng.
“Công việc này không phải là tự nguyện nên dễ bị quy kết là cưỡng bức lao động. Cơ quan soạn thảo, thẩm tra cần cân nhắc kỹ quy định này để đảm bảo tương thích với công ước, điều ước quốc tế mà Việt Nam có tham gia”- ông Cường góp ý kiến.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) khẳng định “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” là giải pháp rất mới, vì thực tiễn phòng, chống bạo lực gia đình thời gian qua cho thấy, các biện pháp xử lý hành chính hiệu quả rất thấp. “Tham khảo kinh nghiệm tại Hàn Quốc thì họ cũng áp dụng biện pháp này và rất hiệu quả”- đại biểu Mai nói.
Không áp dụng với người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) đồng tình việc không áp dụng đối với người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Theo ông, số lượng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam không nhiều, người có hành vi bạo lực gia đình cũng rất ít. Do vậy, việc không áp dụng luật này với người nước ngoài là hợp lý và cũng phù hợp với quan hệ đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam với các nước khác.
Về xử lý tin báo bạo lực gia đình, dự thảo luật quy định báo cho trưởng thôn, người đứng đầu tổ chức chính trị xã hội của xã, sau đó Chủ tịch UBND xã mới chỉ đạo thông báo cho lực lượng công an; theo ông Hòa quy trình này sẽ mất nhiều thời gian và có thể không kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình. Do vậy dự thảo luật cần cân nhắc lại, sửa đổi theo hướng khi nhận được tin báo cần can thiệp ngay, báo cho lực lượng công an để kịp thời ngăn chặn, tránh xảy ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) quan tâm đến các nội dung về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em, bởi đã có 28 đại biểu góp ý về vấn đề này. Tuy nhiên trong dự thảo báo cáo tiếp thu giải trình không hề có ý kiến về việc tiếp thu và giải trình những ý kiến của đại biểu Quốc hội. Trong khi đây là vấn đề cần được hết sức chú ý trong luật khi trẻ em là đối tượng yếu thế đặc biệt.
Vị đại biểu tỉnh Hải Dương đề nghị tách riêng một mục quy định về phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình cho phù hợp với đặc điểm đặc thù của nhóm đối tượng này. Trong đó quy định về nguyên tắc phòng chống bạo lực trẻ em trong gia đình, định nghĩa các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình; các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp xử lý vi phạm pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình đối với trẻ em.
“Các quy định này sẽ không trùng với quy định của Luật Trẻ em, bởi luật này sẽ quy định riêng và cụ thể hóa những nội dung về vấn đề bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình”- bà Thoa nói.
Bà Thoa cũng chỉ rõ còn một số nội dung chưa được tiếp thu, đề nghị tiếp tục nghiên cứu như về việc bổ sung riêng các hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em, trong đó có hành vi cưỡng ép, sử dụng các chất kích thích, kể cả rượu bia và các chất kích thích khác. Nghiên cứu tiếp thu ý kiến về việc bổ sung quy định các hình thức tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó bổ sung hình thức tư vấn tại nhà hoặc tại trường học, trong trường hợp người bị bạo hành gia đình là trẻ em từ 6 tuổi trở lên…
Không hạn chế việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) khẳng định Luật Phòng, chống bạo lực gia đình không hạn chế việc xử lý vi phạm hành chính và xử lý hình sự với các vi phạm pháp luật xảy ra trong gia đình. Tất cả các hành vi vi phạm pháp luật mà xảy ra trong gia đình đều có thể xử lý hành chính và hình sự theo quy định của pháp luật có liên quan. Cùng một hành vi gây thương tích cho người trong gia đình nhưng nếu vô ý gây thương tích thì không thể cách ly họ, mà chỉ cần giáo dục, thuyết phục… để xử lý vấn đề, vì mục tiêu chính là bảo vệ gia đình.
Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, các giải pháp được đặt ra trong dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cần theo hướng như vậy.
Theo ông, quan hệ sau ly hôn rất phức tạp. Nếu trường hợp đối tượng vẫn tiếp tục đe dọa, hành hạ người đã ly hôn thì có thể áp dụng biện pháp cách ly, lệnh cấm tiếp xúc. Đây là các biện pháp đặc thù để bảo vệ nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam đều đã thấy bạo lực gia đình xảy ra sau ly hôn. Vì vậy dự thảo luật không chỉ có biện pháp cấm tiếp xúc mà còn có biện pháp hỗ trợ nạn nhận bạo lực gia đình.
Bình luận