Thời gian qua, phụ huynh nghe nhiều tới các khái niệm giáo dục STEM, giáo dục STEAM, nhiều người thắc mắc chúng có giống nhau hay khác nhau, hoạt động giáo dục này có tác dụng gì cho học sinh?
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học).
Theo bài viết “Giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mới” của Trung tâm truyền thông giáo dục (Bộ GD-ĐT), STEM là một chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học-theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Thay vì dạy bốn môn học tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.
Trong văn bản số 3089 về triển khai STEM, Bộ GD-ĐT định nghĩa: “Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với những ứng dụng của chúng trong thực tiễn. Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh”.
Còn STEAM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Art (nghệ thuật) và Math (toán học).
Giáo dục STEAM là một khái niệm dạy học liên ngành kết hợp giữa nghệ thuật với các môn học STEM truyền thống là: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Vậy hoạt động giáo dục STEM và STEAM giống hay khác nhau?
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng, Chủ tịch kỳ thi toán học AMO Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), chuyên gia kiến tạo chương trình STEAM cho ngôi trường này, đồng thời đang là cố vấn chương trình Tài năng toán-STEM (AIMS) Trường Albert Einstein, cho biết: “Về cơ bản giáo hoạt động giáo dục STEM và STEAM giống nhau”.
“Khái niệm khởi đầu là STEM như một cách tiếp cận liên môn trong dạy và học, kết nối các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán. Sau này có nhiều biến thể, trong đó có STEAM, tức là có bổ sung thêm Art (nghệ thuật). Tuy nhiên, theo thói quen ta vẫn dùng STEM. Chương trình của Bộ GD-ĐT cũng ghi là STEM. Tuy nhiên bản chất sẽ là STEAM vì chúng ta luôn chú ý đến tính mỹ thuật của các sản phẩm”, tiến sĩ Trần Nam Dũng nói.
Học STEM là học gì, có phải toàn là những kiến thức cao siêu, phức tạp?
Mới đây, tại hội thảo “Nếu không học trường chuyên, học sinh nên học gì để vào đại học danh tiếng?” hôm 25.6 tại TP.HCM, bà Đàm Bích Thủy, nguyên Chủ tịch sáng lập Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho biết nhiều phụ huynh nghĩ rằng con học STEM là học toàn những thứ phức tạp, cao siêu, chương trình chỉ dành cho những người “giải nọ giải kia”. Nhưng theo bà, dần dần, chúng ta cần thay đổi suy nghĩ một chút, bởi đích đến của giáo dục là giúp các học sinh có các kỹ năng tư duy, lập luận, logic và dạy STEM trong các trường phổ thông để giúp các em duy trì sự tò mò, biết đặt câu hỏi và tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Để ví dụ cho việc này, bà Thủy minh chứng bằng việc khi bà đi tuyển sinh ĐH, có lần người tuyển sinh cho thí sinh thử gấp máy bay giấy và ném, xem máy bay nào bay được xa nhất. Câu hỏi kỹ thuật đặt ra là làm sao để một chiếc máy bay giấy bay xa được như vậy? Giáo dục STEM đi từ chuyện đơn giản như vậy.
Hay một lần tuyển sinh khác, học sinh THPT được đưa ra một cái hồ nông, chia làm nhiều nhóm. Mỗi nhóm được cung cấp giấy, báo, bìa các tông… để làm được chiếc thuyền, cho các bạn trèo lên và bơi được ra hồ. Thế nhưng, 10 cái thuyền thì cả 9 cái đều không bơi được, 1 cái thì cũng loay hoay. Quay về lớp, giáo viên đặt ra câu hỏi vì sao và giảng lý thuyết, để làm ra một cái thuyền thì các em cần nắm những định luật nào của vật lý, kiến thức nào của toán. Điều này giúp học sinh được hiểu STEM ứng ứng dụng như thế nào trong đời sống.
Còn tiến sĩ toán học Trần Nam Dũng ví von “STEM gần gũi lắm như là một ông bố giỏi, ông bố ấy có thể sửa chữa mọi thứ trong gia đình từ đồ mộc, đồ điện, đó chính là ứng dụng STEM vậy”.
Ông Dũng khuyến khích cách học STEM đi đôi với hành. Học STEM không chỉ giới hạn ở các môn học như toán, vật lý; không chỉ học trong phòng thí nghiệm, không gian sáng tạo mà còn nên học ở bên ngoài. Chẳng hạn, học sinh có thể thiết kế các tấm giấy mời, backdrop chương trình, cùng bạn bè làm hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây trong sân trường…
Bà Đàm Bích Thủy cũng cho rằng khi học STEM thì học sinh cũng cần học thêm nhiều môn học song song, ví dụ như có một số em học kỹ thuật, khoa học rất giỏi nhưng khi cần trình bày, thuyết trình thì lại bất lợi hơn. Như vậy, vấn đề không phải học STEM mà còn phải học cách nghĩ, cách diễn giải bằng ngôn ngữ, cách viết bài luận để giúp các em thêm lợi thế, có sức cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Tháng 5.2023, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ triển khai thí điểm tổ chức hoạt động giáo dục STEM tại các trường tiểu học ở các Q.1, Q.3, Q.Phú Nhuận, Q.Tân Bình và H.Hóc Môn vào học kỳ 1 năm học 2023-2024.
Mỗi phòng GD-ĐT sẽ lựa chọn ít nhất 5 trường tiểu học tham gia thí điểm theo nguyên tắc chọn đa dạng về điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên và học sinh.
Các trường tiểu học sẽ triển khai thí điểm thông qua 3 hình thức: bài học STEM-tích hợp vào các nội dung bài học trong chương trình giáo dục phổ thông; hoạt động trải nghiệm STEM; làm quen với hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Nguồn : thanhnien.vn
Bình luận