Nhiều cha mẹ cảm thấy khó hiểu khi con tuổi teen khép kín, ít giao tiếp, thậm chí từ chối trò chuyện cởi mở với bố mẹ mà chỉ trả lời nhát gừng.
Đầu tiên, cha mẹ cần phải nhận ra một thực tế rằng con cái không còn coi cha mẹ là trung tâm trong cuộc sống của chúng nữa. Trẻ ở giai đoạn này cần đến sự riêng tư, không gian riêng. Bởi vậy, để con có thể trò chuyện cởi mở với cha mẹ không phải là điều dễ, nhưng vẫn luôn có cách:
1. Lắng nghe nhiều hơn và nói ít hơn khi trò chuyện với con tuổi teen
Khi trẻ trò chuyện với cha mẹ, điều chúng mong mỏi là được lắng nghe những suy nghĩ, quan điểm và kỳ vọng của chúng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ có xu hướng dùng vốn sống, hiểu biết của mình để áp đặt, dưới danh nghĩa chia sẻ.
Khi lắng nghe nhiều hơn, nói ít hơn, cha mẹ sẽ hiểu được con dưới tư cách một người bạn, một người đồng hành. Cha mẹ cũng có thể biểu đạt sự quan tâm, sẻ chia bằng ngôn ngữ cơ thể, thay vì chỉ luôn là lời nói.
2. Hãy bỏ điện thoại xuống khi về nhà
Con muốn được ba mẹ chú ý lắng nghe khi con trò chuyện, nhìn con nhiều hơn 1 chút thay vì nhìn điện thoại.
Khi con còn nhỏ ba mẹ cứ tập trung vào điện thoại thì khi con càng lớn, hành động này sẽ được đáp trả bằng cách khi ba mẹ nói chuyện con vẫn cầm điện thoại mà lướt.
Không gì là quá muộn khi cả nhà phải tập việc này. Để điện thoại nơi khác trong thời gian gia đình sinh hoạt cùng nhau, giờ ăn tối. Khi trả lời con, hãy nhìn con thay vì vừa nói vừa nhìn điện thoại. Tắt các chuông thông báo của các app, mạng xã hội trên điện thoạiđể không bị quấy rối liên tục.
3. Kiên trì trò chuyện
Có thể ban đầu bạn cảm thấy nản lòng khi con không chịu mở lòng với mình, nhưng bạn hãy kiên trì. Mặc dù con thường trả lời bạn cụt lủn, thậm chí là lảng tránh câu trả lời, hãy tìm ra cách mới để tiếp cận con. Mỗi ngày, từng chút một, con sẽ nhận ra sự quan tâm và tin tưởng bạn hơn.
4. Thể hiện sự tin tưởng khi trò chuyện với con
Tuổi thanh thiếu niên thường muốn được công nhận một cách nghiêm túc từ bố mẹ. Bởi vậy bố mẹ nên tìm cách thể hiện rằng mình tin tưởng vào con.
Bố mẹ hãy tỏ ra cho con biết rằng, con là chỗ dựa đầy sự tin tưởng của bố mẹ. Hãy thường xuyên nhờ con làm điều gì đó và cho con thấy rằng, bố mẹ nghĩ là con có thể xử lý nó. Việc này sẽ giúp con tự tin hơn và mở lòng hơn khi giao tiếp cùng bố mẹ.
5. Lên lịch cho các hoạt động tương tác
Trong khi trẻ tìm cách rút lui vào thế giới riêng, bạn cần chủ động cho trẻ thấy bạn sẽ không để trẻ có thể làm theo cách chúng muốn, tuy nhiên theo phương pháp thật mềm mỏng. Giải pháp chính là cùng con lên lịch cho một số hoạt động tương tác giữa cha mẹ và con cái.
Ví dụ, bạn có thể lên lịch để cả nhà đi ăn cùng nhau tại địa điểm con ưa thích, đặt câu hỏi: “Con thích đi ăn ở chỗ nào, mẹ con mình có thể đi với nhau vào ngày thứ 4?”. Môi trường mà trẻ yêu thích sẽ khiến con cởi mở hơn, vui vẻ hơn và sẵn sàng giao tiếp hơn.
6. Chia sẻ về “tuổi teen ngày ấy”
Hãy kể cho con một câu chuyện vui, hài hước, thậm chí chuyện buồn về “tuổi teen ngày ấy” của bạn. Mặc dù thời điểm đó đã rất xa, khác lạ, nhưng là một cách để bắt đầu cuộc chia sẻ, tâm sự cùng con. Những điều mới mẻ hoàn toàn với con người hiện tại của bạn sẽ khiến con tò mò, thắc mắc, dễ mở lời để đặt câu hỏi và chia sẻ.
7. Đừng là một kẻ độc tài
Bố mẹ vẫn có thể đặt ra các quy tắc, nhưng hãy sẵn sàng giải thích cho con. Mặc dù việc đặt ra ranh giới là rất cần thiết nhưng bố mẹ cần phải giải thích chu đáo lý do tại sao con lại không được phép vượt qua ranh giới đó. Như vậy, sẽ khiến quy tắc mà bố mẹ đặt ra cho con có vẻ hợp lý hơn và sẽ khiến chúng chấp nhận.
8. Đừng bao giờ phán xét khi trò chuyện
Phán xét, chỉ trích là những việc làm sai lầm của cha mẹ, bởi việc làm này sẻ chỉ khiến trẻ cảm thấy hai phía không thể nào có tiếng nói chung và rút lui nhanh chóng.
Ngay cả khi suy nghĩ và quan điểm của trẻ khác với bạn, đừng lấy đó làm bực mình. Ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến của riêng mình, thanh thiếu niên không là ngoại lệ. Tôn trọng trẻ, lắng nghe và cầu thị là cách để hai phía hiểu nhau hơn.
Khi trẻ đưa ra một quyết định nào đó, dù bạn biết nó có thể không phải quyết định sáng suốt nhất, hãy đừng chỉ trích. Hãy cho chúng quyền tự do làm điều mình muốn, bởi điều đó sẽ thúc đẩy sự độc lập của trẻ. Đôi khi, trẻ có thể sai lầm, nhưng nghĩ xem, ai là không từng sai lầm? Vì vậy, cần dừng lại ngay những lời chỉ trích, liên quan đến các quyết định của trẻ.
Là cha mẹ, việc sát cánh và để con tự tìm ra giải pháp cho các vấn đề của chúng là cần thiết. Cần học cách buông bỏ, để trẻ làm điều mình muốn.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/
Bình luận